top of page

Thiết Kế Công Nghiệp học những gì?

Bài viết của group Facebook #industrialdesignvn


Chắc hẳn đây là câu hỏi được nhiều bạn hỏi nhất khi suy nghĩ về ngành Industrial Design - Product Design (Thiết Kế Công Nghiệp - Thiết Kế Sản Phẩm - Thiết Kế Kiểu Dáng Công Nghiệp).


Các trường Đại học dạy Thiết Kế Công Nghiệp khác nhau thế nào?


neo studio sketch


Neo thì học từ Văn Lang ra, sau đó được một cơ hội dạy tại trường Kiến Trúc, vợ mình là cựu học viên từ Kiến Trúc, mình cũng may mắn khi khá thân thiết với chị trưởng ngành Thiết Kế Công Nghiệp của Đại Học Tôn Đức Thắng. Từ đó mình tìm hiểu và nhận ra một sự thật rằng: mỗi trường đại học ở Việt Nam có chương trình học Thiết Kế Công Nghiệp rất khác nhau. Sự khác biệt này đến từ việc định hướng của trường đó đối với đầu ra của họ, có trường chú trọng tính thể hiện mô hình mẫu (mock-up, prototype), có trường đề cao tính sáng tạo, ý tưởng và cũng có trường đề cao sự chuyên nghiệp, tính học thuật và sự am hiểu sâu... Ở đây chúng ta không nói đâu là sai đâu là đúng vì nếu các trường vẫn còn đang tồn tại và phát triển, vẫn được nhiều công ty tin tưởng vào đầu ra thì các trường đó đều đang làm đúng (quy luật cung-cầu mà).


Thiết Kế Công Nghiệp học gì ở trường?


Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là khác đến mức độ đầu ra của các trường có sự thiếu hụt về kĩ năng. Nhìn chung chương trình học của các trường đều bao gồm được các kĩ năng cơ bản mà một người Thiết Kế Công Nghiệp cần có như:

  1. Ideation: Lên ý tưởng, phương pháp sáng tạo

  2. Investigate/Research: Phương pháp nghiên cứu

  3. Sketch: Vẽ phác thảo

  4. 3D/CAD Model: Vẽ 3D, vẽ dựng mẫu mô hình 3D trên máy...

  5. Mockup/Prototype: Tạo mô hình

  6. Presentation: Thuyết trình, trình bày design


Như vậy thì ai học Thiết Kế Công Nghiệp cũng sẽ giống y như nhau khi học cùng trường?!


Sự khác nhau của mỗi trường + cá tính mỗi giảng viên + định hướng/mong muốn của sinh viên ... sẽ tạo ra sự khác nhau trong kỹ năng trội của mỗi người khi học ra xong. Không ví dụ xa xôi, lấy mình ra luôn nè, nếu xếp theo dãy kỹ năng trên thì điểm của mình như này - tính vào thời điểm ra trường, số đầu tiên là của mình, số thứ 2 là so với một bạn nam giấu tên chung lớp 😊 :


  1. Ideation: 7/10 . 10/10

  2. Investigate/Research: 5/10 . 7/10

  3. Sketch: 10/10 . 9/10

  4. 3D/CAD Model: 9/10 . 8/10

  5. Mockup/Prototype: 9/10 . 6/10

  6. Presentation: 8/10 . 5/10


Và câu hỏi được đặt ra tiếp theo là:


Thế đâu là kiến thức/kỹ năng mà trường Thiết Kế Công Nghiệp không dạy bạn?


Đầu tiên là teamwork - làm việc nhóm. Đây là trải nghiệm qua chính kỹ năng của bản thân, sau đó là mình nhìn thấy ở nhiều bạn đã từng hợp tác làm việc chung với mình nữa.

Từ 12 năm học gần như mọi học sinh tại VN đều chỉ biết có bản thân mình vì vốn dĩ hình thức giáo dục là như vậy, sau đó lên Đại học thì điều đó cũng hông có gì thay đổi, cũng chia nhóm nhưng rõ ràng là không ai hướng dẫn hay dạy chúng ta cách hoạt động nhóm sao cho hiệu quả và công bằng. Thiết Kế Công Nghiệp vốn dĩ không phải là ngành làm việc độc lập, trong một nhóm thì chúng ta chỉ là một bánh răng có liên kết với nhiều những bánh răng và động cơ khác. Trong một tổ chức, ví dụ như Thiết Kế Công Nghiệp làm về phần thiết kế, Mechanical Engineer làm kỹ thuật/cơ cấu, Marketing định giá và Kế toán thì lo tính toán cân đối chi phí của công ty để ai cũng có cơm, rau, thịt.


Designer với Kế toán từ thuở khai thiên lập địa là đã mối nhân duyên vô cùng sâu đậm dù chung hay khác công ty :D


Thứ nhì là học hỏi không ngừng. Thiết Kế Công Nghiệp, Thiết Kế Sản Phẩm đã ngấm ngầm xuất phát từ khi con người xuất hiện trên trái đất này. Cây rìu bằng đá phải làm sao để chém được hổ, báo, nai? Đối với những con vật ở xa và linh động thì cần chế tạo lao, cung chứ không thể tấn công bằng rìu, búa...

Ngành này xuất hiện khi nào thì mình không biết rõ, nhưng chắc chắn rằng nó đã có tuổi thọ lớn hơn số tuổi của cả gia tộc của chúng ta cộng lại, vậy thì tại sao bạn nghĩ 4-5 năm đại học bạn có thể học và thấu hiểu hết mọi kiến thức? Hãy tự hỏi như vậy và chính câu hỏi đó sẽ dẫn chúng ta đến những chân trời kiến thức mới.


Thứ ba là sắp xếp thời gian. Thực ra nội ý này thôi chắc viết được nguyên cuốn sách á, và dĩ nhiên trên thị trường cũng vô số sách nói về chủ đề này. Nếu bạn đang gặp những vấn đề như: dí deadline đồ án, làm bài không kịp nộp, đi học muộn... và vô số các vấn đề khác có liên quan đến thời gian, đây là lúc bạn nên tìm đọc và học thêm. À, mà nếu bạn nghĩ ai đi học cũng vậy thì bạn sai rồi đó, mình biết có vài người không bao giờ trễ deadline hay thậm chí vừa đúng giờ vừa có kết quả đồ án khá tốt! Chỉ là chúng ta chưa biết sắp xếp thời gian thôi, mọi thứ đều có thể!


Còn đây là điều Neo Nguyen muốn nhắn nhủ với bạn!


Cũng gần gần ý thứ hai, nhưng do mình nhận thấy nó xuất hiện khá nhiều nên mình đưa riêng ra luôn, đó là dừng tự mãn. Hồi xưa đi học, kết thúc năm nhất mình có số điểm siêu cao, sau đó mình tự mãn và bỏ trôi 1 năm tiếp theo cho đến một ngày mình nhận ra một sự thiếu hụt kiến thức trầm trọng, cho dù mình có học chăm chỉ suốt 4 năm ở trường thì mình vẫn bước ra với một lượng kiến thức ít ỏi so với các nhà Thiết Kế Công Nghiệp trên thế giới. Kể ra nghe quen ha, điểm cao thì cũng tự hào chứ bộ, nhưng tiếc thay đó là câu chuyện của 12 năm tiểu-trung học. Mình thường có câu nói này với các bạn đang học tại trường: Điểm số khi còn đang học cũng quan trọng đó, nhưng những gì bạn học được mới là quan trọng nhất.


Mình không biết chốt đề tài này thế nào, chỉ hi vọng là các bạn tìm được những điều đang còn thắc mắc trong bài viết này, đừng quên tặng mình thêm các câu hỏi (inbox hoặc comment) để mình được viết tiếp nhé!

bottom of page